Ngọc Báu

Mẹ đỡ đầu thời trang punk rock

Bà được Nữ hoàng Elizabeth II tôn vinh Huân chương Đế quốc Anh cùng tước vị Quý tộc. Nhà tạo mẫu thời trang Vivienne Westwood sản xuất cả trang phục dòng punk rock hoang dã cũng như váy cưới lãng mạn sang trọng.

Vivienne Westwood, mẹ đỡ đầu thời trang punk rock (tháng 5/2020)
Vivienne Westwood, mẹ đỡ đầu thời trang punk rock (tháng 5/2020).


Bẩm sinh mê đọc sách

Vivienne Westwood chào đời ngày 8/4/1941 ở Tintwhistle, ngôi làng nhỏ thuộc hạt Derbyshire miền bắc nước Anh. Bố mẹ Vivienne - ông thợ đóng giầy và bà thợ dệt - quen biết tại vũ hội và cưới nhau vào năm bùng nổ Chiến tranh Thế giới II. Nhờ bố, bé gái từ tuổi ấu thơ đã biết đóng giầy. Trái lại, mẹ dạy con gái kỹ năng may vá.

Chỉ có điều, cổ vũ năng lực đóng giầy và cắt may của Vivienne bao nhiêu, bố mẹ cản trở sở thích đọc sách của con gái bấy nhiêu. Bà Swire cho rằng, đọc sách là việc làm lãng phí thời gian. Mẹ mắng, con sẽ mù cả hai mắt vì đọc sách và kiên trì thuyết phục đến độ, Vivienne đồng ý nhận 5 đồng shilling, để trao cho mẹ tấm thẻ thư viện! Tuy nhiên Vivienne láu cá không hề có ý định từ bỏ sách. Kể từ lúc đó bé mượn thẻ thư viện của bạn gái và đọc sách giấu mẹ.

Vivienne 17 tuổi, cả nhà chuyển đến London tìm kiếm cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Thiếu nữ “mọt sách” theo học trường dạy nghề kim hoàn, nhưng - như bản thân Vivienne thừa nhận trong tiểu thuyết tự thuật - bà sớm nhận ra, đây không phải vị trí thích hợp dành cho bản thân. Vậy nên Vivienne chuyển sang trường sư phạm, để trở thành giáo viên. Và cô giáo tương lai vẫn tự may trang phục, việc làm thời ấy bị coi là quá lập dị.

Tuy nhiên, phu quân đầu của Vivienne đắm đuối lối sống của nàng. Chàng Derek Westwood điển trai và khiêu vũ tuyệt đẹp. Cặp đôi lên xe hoa chưa đầy năm sau cuộc hẹn đầu tiên - cô dâu xuất hiện trong bộ váy cưới bản thân tự thiết kế và may cắt.

Cho dù bên ngoài vẫn tưởng cuộc sống vợ chồng của họ diễn ra êm thấm, song thực tế tâm hồn nghệ sĩ vốn có trong máu đã sớm xui khiến Vivienne Westwood từ bỏ vai trò bà chủ gia đình truyền thống. Những lúc rảnh rỗi bà chủ tỉ mẩn may cắt vài bộ xiêm váy, để rồi mang ra chợ trời Portobello Road. Trong khi ông chồng, kỹ sư cơ khí trở về nhà từ nhà máy kỳ vọng mọi thứ trong căn hộ đều sáng bóng sạch sẽ và trên bàn ăn vợ đã đặt sẵn mâm cơm ngon mắt. Dễ tiên đoán, hôn nhân hai cá thể sở thích khác biệt sớm muộn cũng tan vỡ .

Sự xuất hiện trong đời Westwood mày râu khác, bạn của em trai Gordon, chàng Malcolm McLaren lãng tử đam mê nhạc rock đã đẩy nhanh tiến trình ly hôn. Thiếu phụ trẻ một con chớp nhoáng quyết định bỏ chồng, để gắn bó với anh chàng gày gò có mái tóc mầu nâu to xù.

Chồng hết lòng chiều vợ

Westwood và McLaren thời ấy là đại diện của hai cộng đồng nghệ sĩ sống theo tư tưởng phóng khoáng, tự do. Cuộc hôn nhân lãng mạn, bốc lửa của họ tạo bước ngoặt trong sự nghiệp của Westwood. Đến nay nhà tạo mẫu lừng danh vẫn khẳng định, chính McLaren đã dạy bà sống có mơ ước và nhờ chàng, bà đã hiểu thời trang là những gì bản thân khao khát cống hiến.

Hết lòng cổ vũ đam mê thời trang của vợ, cô giáo trung học lớn hơn mình 3 tuổi, chàng sinh viên đồ họa năm cuối mê nhạc rock, thích khoác lên người trang phục “hầm hố”, không giống ai đôi lúc liều mạng dốc hết khoản tiền học bổng, mua vải, để vợ đóng bộ mới, làm đẹp vợ và bản thân. Thường họa sĩ tương lai góp ý, khen-chê vợ suốt quá trình nàng thiết kế tác phẩm mới, những lúc cạn tiền nàng hí hoáy chế biến mặt hàng mới từ những bộ quần áo cũ Malcolm McLaren gom nhặt từ mấy khu chợ trời.

Mẹ đỡ đầu punk rock

Tình yêu âm nhạc cũng là chất keo kết dính cặp đôi. Vợ chồng kề vai nghe rock & roll, dòng nhạc mốt thời đó.

Cuối cùng hai người nảy ý tưởng kinh doanh - họ quyết định mở cửa hàng bán đĩa hát và trang phục. Ngôi nhà nhỏ số 430 đường King’s Road lọt mắt xanh cặp đôi với vốn ban đầu 100 bảng Anh, quà tặng của mẹ Westwood.

Bởi cả hai đều yêu nhạc rock, cửa hàng mang biển hiệu Let it Rock. Tại đây, bên cạnh giá bày đĩa hát và vài dãy tủ kính treo trang phục, sản phẩm do Westwood thiết kế, cắt may. Thực tế chứng tỏ, trang phục “hầm hố” chính là hạng mục có nhu cầu tiêu thụ cao nhất. Những chiếc áo vest chất liệu nhung the sặc sỡ bà may cho Malcolm được gợi ý theo phong cách có tên teddy boys phổ biến thời những năm 50 là mặt hàng “bán chạy như tôm tươi”.

Không lâu sau, trang phục đặc thù của dân nghiền nhạc rock như áo bludong da lộn kiểu tài tử màn bạc Marlon Brando, áo lót không tay đính những hình thù quái đản bằng xương gà…trở thành mặt hàng chủ lực của Let it Rock.

Cho dù khái niệm “punk rock” mãi đến giữa thập kỷ mới chính thức xuất hiện, song ngay 1972, trang phục bày bán ở Let it Rock đã khai sinh thuật ngữ này. Chính khi ấy Westwood đã được đám đông yêu nhạc rock London tôn vinh là “Mẹ đỡ đầu Punk Rock” – chính bà là người đầu tiên trưng mái tóc vàng rộm cắt ngắn. Với cái đầu gần y hệt, ca sĩ rock trẻ nổi tiếng David Bowie đã xuất hiện trên sàn diễn, giữa 1973.

1981, Westwood tạo ra bộ sưu tập đăng ký bản quyền đầu tiên. Tạo dáng Pirates (Cướp biển) bao gồm áo sơ mi kèm jabot đeo cổ, áo ghi lê và mũ rộng vành đặc thù - liên tưởng hình ảnh cướp biển thế kỷ 18. Tiếp theo là các bộ sưu tập Buffalo, Nostalgia of Mud, tạo dáng pha tạp thời trang Victoria và Miền Tây hoang dã.

Nhà thiết kế thời trang của năm

Thế giới thời trang Anh nhiều năm quay mặt với phong cách nổi loạn Westwood, cuối cùng buộc phải thừa nhận tố chất thiên tài của nhà tạo mẫu. Bà được bình chọn danh hiệu Nhà thiết kế Thời trang Anh quốc năm 1990 và 1991.

Trước đó người nổi tiếng chấm dứt hôn nhân bốc lửa với Malcolm McLaren. Cặp đôi chia tay giữa thập kỷ 80. Năm 1988 trong thời gian giảng bài tại Đại học Mỹ thuật Vien (Áo) Westwood phải lòng Andreas Kronthaler, sinh viên trẻ hơn bà ngót 20 tuổi và cưới chàng năm 1993.

Tương tự Malcolm trước đây, Andreas sát cánh bên vợ sáng tác mẫu trang phục. Andreas tiết lộ, chàng sẽ tiếp nhận đế quốc thời trang, khi phu nhân nghỉ hưu. Tuy nhiên cho dù tháng 4/2020 Westwood đã qua tuổi 79, song xem chừng tình huống đó còn lâu mới xảy ra. Trong thành phần đế quốc Westwood hiện có trên 60 cửa hàng trang phục trên toàn thế giới. Bà hoạt động nghề nghiệp tích cực, thiết kế và quản lý vài dòng trang phục - ngoài xê ri Red Label bình dân và Gold Label sang trọng, còn có dòng nam giới và dòng váy cưới.

Huân chương Đế quốc Anh và tước vị Quý tộc

Xuất thân từ gia đình công nhân, nhà thiết kế không e sợ đùa giỡn đẳng cấp quý tộc, thậm chí với cả Nữ hoàng đang trị vì Elizabeth II. Westwood đã tung ra thị trường xê ri áo phông chất liệu cotton ngực áo được trang trí hình vẽ và dòng chữ “God Save The Queen” - tên quốc ca Anh cũng là “quốc ca” của dòng nhạc punk rock. Với hành vi phạm thượng này, nhiều người có thể bị bỏ tù hoặc phạt tiền nặng, song Vievienne Westwood vô can.

Không chỉ không lên án hành vi lạm dụng hình ảnh của mình, năm 2006 Nữ hoàng Anh còn tôn vinh Vivienne Westwood Huân chương Đế quốc Anh cùng tước vị Quý tộc vì những đóng góp của bà cho thời trang.